TTYT huyện Cẩm Khê

https://trungtamytecamkhe.vn


Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường (14/11)

Ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11 – World Diabetes Day được IDF lập ra vào năm 1991 nhằm đáp ứng những lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng xấu tới sức khỏe không ngừng leo thang của bệnh Đái tháo đường (tiểu đường) gây ra
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường (14/11)
Ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11 – World Diabetes Day được IDF lập ra vào năm 1991 nhằm đáp ứng những lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng xấu tới sức khỏe không ngừng leo thang của bệnh Đái tháo đường (tiểu đường) gây ra. Ngày Đái tháo đường Thế giới đã được Liên hiệp quốc chính thức công nhận vào năm 2006 (NQ 61/225 của Liên hiệp quốc). Ngày 14/11 là ngày sinh của Sir Frederick Banting, người đồng phát hiện ra Insulin cùng với Charles Best vào năm 1922.
HBA1C
Chỉ số HbA1C có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Hàng năm, Hiệp hội IDF tổ chức phát động chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về bệnh Đái tháo đường. Chiến dịch đã tiếp cận được hơn 1 tỉ người tại hơn 160 quốc gia. Chủ đề của Ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2021-2023 là “Tiếp cận chăm sóc bệnh Đái tháo đường”.  

Bệnh Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu do rối loạn chuyển hóa khi tuyến tụy không sản xuất đủ Insulin. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi ...; Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người đi khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng.
 

bien chung tieu duong 1
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Trên thế giới, ước tính có khoảng 500 triệu người đang sống chung bệnh đài tháo đường. Nếu không có hành động, con số này có thể tăng lên 700 triệu người trong vòng 25 năm tới. Ngoài ra, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng và gây tử vong sớm.

Bệnh Đái tháo đường đang là thách thức với toàn cầu đối với sức khỏe của cá nhân, gia đình và xã hội. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng nhanh trong đó có 50% mắc có biến chứng nguy hiểm. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng nhanh hơn so với các nước có thu nhập cao. Sự gia tăng liên quan các yếu tố nguy cơ như thừa cân hoặc béo phì. 

Việt Nam, năm 2017, số bệnh nhân đái tháo đường là 3,54 triệu người (khoảng 5,5% dân số). Các thống kê nghiên cứu đến năm 2021 là 4,79 triệu người (khoảng 7,3% dân số). Điều đó cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh. Tỷ lệ mắc bệnh Đái tháo đường cao nhất gặp ở nhóm tuổi 60-69 (chiếm 27% tổng số ca mắc); Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 đến dưới 30 tuổi.

Bệnh Đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì. Việc điều trị Đái tháo đường còn gặp nhiều thách thức do đặc điểm sinh lý bệnh của bệnh nhân. 

Phòng bệnh Đái tháo đường:

Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất tầm soát bệnh đái tháo đường để sớm phát hiện bệnh. Việc kiểm tra phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kịp thời tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm tiến triển đến đái tháo đường thật sự. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ như người: từ 40 tuổi trở lên; từng được xác định rối loại đường huyết; thừa cân, béo phì; mắc bệnh lý tim mạch; có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường; phụ nữ từng mắc đái tháo đường thai kỳ...

Hưởng ứng  Ngày Thế giới phòng, chống Đái tháo đường 14/11, mọi người hãy đi xét nghiệm đường máu để sớm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời. Ngoài ra, mọi người thực hiện chăm sóc và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, nhất là trẻ em và người từ 50 tuổi trở lên, theo dõi thường xuyên phát hiện sớm và có biện pháp hiệu quả tránh nguy cơ thừa cân/béo phì gây tăng huyết áp và gia tăng đái tháo đường. Mọi người dân bỏ thói quen xấu (hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá), tăng cường thực phẩm hợp lý và an toàn, dinh dưỡng cân đối; tham gia bảo vệ môi trường sống sạch sẽ, trong lành; tăng cường vận động và thể dục thể thao hợp lý.

Tác giả bài viết: NCQ, Phòng Dân số - Truyền thông, Giáo dục sức khỏe

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây