NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHẪU THUẬT CẮT AMYDAN – NẠO V.A

Thứ tư - 14/06/2023 08:15
Viêm Amidan và viêm V.A là bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ, đặc biệt thời điểm giao mùa là khoảng thời gian trẻ dễ bị mắc bệnh nhất. VA, Amidan phì đại khiến trẻ phải thở bằng miệng, nghẹt mũi, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc thậm chí ngừng thở khi ngủ… Bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần, dễ gây biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của trẻ.
Bé Đinh Hà A. (70 tháng tuổi) ở xã Xuân Thuỷ – Yên lập với thể trạng thấp còi được bố mẹ đưa đến Trung Tâm Y Tế Cẩm Khê thăm khám khi thường xuyên có dấu hiệu ho, sốt và mũi chảy nhiều dịch. Chị Hà Thị D. – Mẹ bé cho biết: “Con thường xuyên ngủ ngáy, nuốt vướng, chảy dịch mũi tái đi tái lại nhiều lần, gia đình đã cho bé uống thuốc nhiều đợt nhưng không khỏi, đặc biệt cân nặng của con không phát triển, 06 tuổi nhưng con chỉ nặng 17 kg”.
 
Qua quá trình thăm khám, nội soi tai mũi họng cho bé, Bác sỹ CKI  Tai mũi họng Ngô Anh Hào  –  cho biết: “Bệnh nhi Đinh Hà A. bị viêm VA/Amidan mạn tính quá phát, dù đã được điều trị nội khoa bằng thuốc nhiều đợt trong 01 năm tại cơ sở y tế khác nhưng tình trạng bệnh lý không có chuyển biến tích cực đã khiến trẻ bị nghẹt mũi, ngủ ngáy kéo dài, chậm phát triển thể chất, thậm chí xuất hiện cơn ngừng thở khi ngủ gây thiếu oxy não, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, vô cùng nguy hiểm tới sức khoẻ của trẻ. Vì vậy sau khi thăm khám  bác sỹ  đã quyết định phẫu thuật nội soi nạo VA và cắt Amidan cho trẻ để giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh lý này. Đặc biệt, sau khi trẻ được nạo VA và cắt Amidan thì trẻ sẽ có sự phát triển rõ ràng về thể chất”.
Thực tế, nhiều bậc phụ huynh thường chủ quan với những triệu chứng bệnh lý tai mũi họng ở trẻ, hoặc lo lắng sau khi phẫu thuật cắt Amidan hay nạo VA thì khả năng miễn dịch của trẻ bị suy giảm nên thay vì cho trẻ tới bệnh viện thăm khám ngay khi thấy xuất hiện triệu chứng thì lại áp dụng “tự điều trị” cho trẻ, chỉ tới khi trẻ xuất hiện biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ mới cho trẻ nhập viện.
Vậy viêm VA, viêm Amidan là gì, khi nào cần nạo VA hoặc cắt Amidan cho trẻ và các bậc phụ huynh cần lưu ý những gì trong chăm sóc trẻ nhỏ, những thông tin này sẽ được giải đáp bởi Bác sỹ CKI Ngô Anh Hào – Chuyên khoa Tai mũi họng
Vai trò của VA, Amidan? Nguyên nhân gây viêm VA và viêm amidan là gì?
VA và Amidan là các tổ chức bạch huyết nằm ở ngã tư hầu họng. VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng. Amidan là tổ chức lympho nằm bên trong họng gồm có: Amidan khẩu cái, Amidan lưỡi, Amidan vòm, Amidan vòi tạo thành một vòng bao quanh bên trong họng gọi là vòng Waldeyer. Nhờ khả năng sản xuất ra kháng thể, VA và Amidan đóng vai trò quan trọng như hàng rào miễn dịch của cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp.
Nguyên nhân gây viêm VA và viêm Amidan tương tự nhau, nhiều trường hợp viêm VA chính là nguyên nhân dẫn tới viêm Amidan. Vì cơ chế VA, Amidan thường xuyên tiếp xúc với nhiều vi khuẩn và vi-rút nên chỉ cần sức đề kháng của trẻ suy giảm hay khi bị vi-rút, vi khuẩn xâm nhập ồ ạt, quá mức sẽ gây nên tình trạng viêm Amidan, viêm VA. Khi viêm nhiễm tái phát nhiều lần, VA và Amidan không những không còn chức năng miễn dịch mà còn trở thành ổ viêm chứa đầy vi khuẩn, đồng thời là nguyên nhân gây nên các bệnh lý hô hấp khác ở trẻ như: Áp xe quanh amidan, viêm họng mạn tính, viêm xoang…
Ngoài ra còn một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm VA, viêm Amidan như: Thời tiết thay đổi đột ngột; Môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, khí độc hại; Sức đề kháng của cơ thể trẻ suy giảm; Trẻ không được vệ sinh sạch sẽ hoặc Trẻ từng có tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp khác.
Khi nào nên nạo VA, cắt Amidan ở trẻ?
Bác sỹ CKI Ngô Anh Hào  cho biết: Các bậc phụ huynh thường lo lắng sau khi cắt Amidan hay nạo VA thì khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ sẽ suy giảm. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng VA và Amidan nếu bị viêm nhiễm kéo dài và tái phát nhiều lần không những mất đi vai trò miễn dịch mà còn trở thành ổ vi khuẩn tiềm tàng và gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Viêm VA và viêm Amidan gây cản trở đường thở của trẻ, khiến trẻ phải thở bằng miệng, ngủ ngáy và thậm chí ngừng thở khi ngủ. Thiếu oxy não thường xuyên sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất và trí tuệ, khả năng học tập cũng như hành vi của trẻ. VA quá phát cũng ảnh hưởng tới khứu giác và vị giác của các bé.
– VA phì đại có thể gây bít tắc vòi tai, dẫn tới nhiễm trùng tai, giảm thính lực và ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ.
– VA phì đại có thể khiến dịch nhầy tích tụ trong các xoang hoặc gây viêm xoang tái phát.
Vì vậy, đối với một số trường hợp, việc chỉ định nạo VA, cắt Amidan là hết sức cần thiết, cụ thể:
* Phẫu thuật nạo VA sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Viêm VA tái phát nhiều lần trong năm (≥ 5 lần/năm).
– Viêm VA không thuyên giảm khi điều trị nội khoa bằng thuốc, trẻ có các biến chứng như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm tai giữa…
– VA phì đại có thể gây bít tắc cửa mũi sau, khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài và cản trở đường thở của trẻ, đôi khi trẻ có cơn ngừng thở khi ngủ.
* Cắt Amidan sẽ được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Viêm Amidan tái phát nhiều lần ((≥ 5 lần/năm) ảnh hưởng lớn tới việc học tập và sức khoẻ của trẻ.
– Viêm Amidan gây nên các biến chứng như: Viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp…
– Amidan phì đại gây tắc nghẽn đường thở, khó nuốt, khó nói, ngủ ngáy hay thậm chí ngừng thở khi ngủ.
Nạo VA và cắt Amidan tại Trung Tâm Y Té Cẩm Khê:
  bác sỹ sẽ nạo VA và cắt Amidan để giải quyết triệt để tình trạng bệnh lý nếu quá trình điều trị nội khoa bằng thuốc không mang lại hiệu quả. Hơn nữa, sức khỏe của trẻ luôn được đặt lên hàng đầu nên quy trình nội soi nạo VA và cắt Amidan luôn được đảm bảo nghiêm ngặt về độ an toàn, vô trùng dưới sự hỗ trợ của Hệ thống Máy nội soi tiên tiến, hiện đại ít xâm lấn với nhiều ưu điểm vượt trội như: Giúp loại bỏ các tổ chức VA viêm nhiễm một cách tối đa; Thời gian thực hiện nhanh (trung bình 01 ca nạo VA và cắt Amidan sẽ diễn ra trong vòng 25 – 30 phút); Hạn chế được nguy cơ chảy máu trong và sau khi cắt Amidan mà không gây tổn thương tới các cơ quan lân cận; Sau khi phẫu thuật  đặc biệt vấn đề giao tiếp không bị ảnh hưởng, trẻ không cần phải kiêng nói sau phẫu thuật và Quá trình hậu phẫu được rút ngắn tối đa và không xảy ra biến chứng sau phẫu thuật.
 

 
Hình ảnh Amydan trước mổ

Hình ảnh Amydan  được cắt ra sau mổ
 
 

 

Hốc Amydan sau mổ 5 ngày
 

Mỗi năm tại Trung Tâm Y Tế Cẩm Khê Chuyên khoa  Tai Mũi Họng thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật nội soi các bệnh lý tai mũi họng với tỷ lệ thành công đạt 100% và không để xảy ra tai biến. Bé Đinh Hà A. chỉ là 01 trong hàng trăm trường hợp được phẫu thuật nội soi nạo VA kết hợp cắt Amidan thành công tại Trung Tâm Y Tế Cẩm Khê. Thậm chí, có những trường hợp còn phức tạp hơn nhiều khi trẻ bị vừa bị viêm VA, viêm Amidan và rò luân nhĩ. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế hiện đại cùng bác sỹ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng, đã phẫu thuật thành công nhiều bệnh lý phức tạp trong chuyên khoa tai mũi họng.  Ngày nay tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh tai mũi họng ngày càng cao, nếu không được điều trị dứt điểm thì các bệnh này dễ trở nên mạn tính và là tác nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác. Cụ thể như viêm VA nếu không được điều trị dứt điểm có thể biến chứng dẫn tới viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm thanh quản, áp xe thành sau họng, viêm mũi xoang, tăng trưởng sọ mặt. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn gây viêm Amidan còn có thể tấn công vào khớp, tim, thận và có thể để lại các biến chứng khôn lường như viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng máu, viêm đa khớp, viêm cơ tim, …
 
Bác sỹ CKI Ngô Anh Hào cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải cho trẻ đi khám nội soi ngay khi nhận thấy các triệu chứng như:
– Trẻ bị đau tai, ù tai, chảy mủ trong tai, ngứa tai, nghe kém, …
– Trẻ có các triệu chứng của viêm xoang như: hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu… kéo dài.
– Trẻ thường xuyên bị chảy máu mũi khi được thực hiện nội soi sẽ giúp phát hiện điểm chảy máu và làm thủ thuật để cầm máu.
– Trẻ bị khàn tiếng trong thời gian dài, nói hay bị hụt hơi.
– Trẻ bị VA với các biểu hiện như: Nghẹt hai bên mũi, phải thở bằng miệng khi nằm, chảy mũi xanh, hay khịt mũi…
– Trẻ bị dị tật ở tai, mũi, vách ngăn …
Và quan trọng nhất là cần điều trị càng sớm càng tốt ngay khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường vùng tai mũi họng. Có như vậy việc điều trị mới đạt hiệu quả cao và tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ.
 

Tác giả bài viết: phòng QLCL & CTXH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây