LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THIAZID TRÊN BỆNH NHÂN SUY THẬN

Thứ tư - 09/04/2025 14:07
LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THIAZID TRÊN BỆNH NHÂN SUY THẬN
1. Tác dụng và cơ chế của thuốc lợi tiểu thiazid
Thuốc lợi tiểu thiazid ức chế tái hấp thu Na+ và kèm theo là cả Cl- (vị trí đồng vận chuyển) ở đoàn pha loãng (phần cuối của nhánh lên quai Henle và phần đầu của ống lượn xa), thải trừ Na+ và Cl- với số lượng gần ngang nhau nên còn gọi là thuốc lợi niệu thải trừ muối (saluretics). Khoảng 5-10% lọc qua cầu thận bị thải trừ nên thuộc loại thuốc có tác dụng lợi niệu trung bình.
thiazid cơ chế

Thuốc có tác dụng ở cả môi trường acid và base.
- Làm tăng thải trừ K+, theo hai cơ chế: một phần do thuốc ức chế enzym ức chế carbon anhydrase (CA), làm giảm bài tiết ion H+ nên tăng thải trừ K+ ( cơ chế thải trừ tranh chấp ở ống lượn xa); một phần do ức chế tái hấp thu Na+ làm đậm độ Na+ tăng cao ở ống lượn xa gây phản ứng bù trừ bài xuất K+ để kéo Na+ lại.
- Không làm tăng thải trừ bicarbonat nên không gây acid máu.
- Làm giảm bài tiết acid uric qua ống thận nên có thể làm nặng thêm bệnh gout. Các thiazid được thải trừ qua hệ thải trừ acid hữu cơ của ống thận nên tranh chấp một phần với thải trừ acid uric qua hệ này.
- Dùng lâu, làm giảm calci niệu do làm tăng tái hấp thu Ca++ ở ống lượn nên có thể dùng để dự phòng sỏi thận. Tuy nhiên, hiếm khi gặp tăng calci máu do thiazid vì có thể có các cơ chế bù trừ khác.
- Làm hạ huyết áp trên những bệnh nhân bị tăng huyết áp vì ngoài tác dụng làm tăng thải trừ muối, các thuốc còn ức chế tại chỗ tác dụng của thuốc hoặc chất nội sinh có tác dụng co mạch trên thành mạch, như vasopressin, noradrenalin. Mặt khác do lượng Na+ của mô thành mạch giảm nên dịch gian bào của thành mạch cũng giảm, làm lòng mạch rộng ra, do đó sức cản ngoại vi giảm xuống (huyết áp tối thiểu hạ).
- Làm tăng tác dụng của các thuốc hạ huyết áp khác
2. Chỉ định của nhóm thuốc lợi tiểu thiazid
- Phù các loại: tim, gan, thận.
- Tăng huyết áp: dùng riêng lẻ hoặc dùng cùng với các thuốc hạ huyết áp khác do có tác dụng hiệp đồng.
- Tăng calci niệu không rõ nguyên nhân dễ dẫn đến sỏi niệu.
3. Chống chỉ định của nhóm thuốc lợi tiểu thiazid
- Trạng thái giảm kali máu trên bệnh nhân bị xơ gan (vì dễ làm xuất hiện hôn mê gan), trên bệnh nhân đang điều trị bằng digitalis (sẽ làm tăng độc tính của digitalis). Khắc phục bằng uống KCl 1-3g/ngày.
- Bệnh gout: Do thiazid làm tăng acid uric máu.
- Suy thận, suy gan, không dung nạp sulfamid (gây bệnh não do gan).
 4. Tổn thương thận do thiazid
thiazid

Không nên dùng cho bệnh nhân suy thận nặng ( Crcl< 30ml/ phút). Do tình trạng ứ dịch đóng vai trò chính trong việc tăng huyết áp ở bệnh nhân bệnh thận mạn tính, những bệnh nhân này thường được kê thuốc lợi tiểu quai để hạ huyết áp thay vì thiazid.
Đối với những bệnh nhân suy thận nhẹ và trung bình cần định kỳ theo dõi kali huyết, creatinin và acid uric.
5. Tác dụng không mong muốn
Khi dùng lâu, thuốc có thể gây các tai biến sau:
- Rối loạn điện giải: hạ Na+ và K+ máu (theo cơ chế đã trình bày ở trên), gây mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, chuột rút.
- Tăng acid uric máu gây ra các cơn đau của bệnh gut. Điều trị bằng probenecid.
- Làm nặng thêm đái đường tụy.
Một số tác giả thấy thiazid ức chế giải phóng insulin và làm tăng bài tiết catecholamin đều dẫn tới tăng đường huyết.
- Làm tăng cholesterol và LDL máu khoảng 5 – 15%. Tuy nhiên khi dùng kéo dài thì cả 2 mức lại trở về bình thường.
- Một số biểu hiện dị ứng.
6. Tương tác thuốc
Các thiazid làm giảm tác dụng của các thuốc chống đông máu, thuốc làm tăng thải trừ uric để điều trị gut, các sulfonylure và insulin.
Các thiazid làm tăng tác dụng của thuốc tê, diazoxid, glycosid trợ tim, lithi, thuốc lợi niệu quai và vitamin D.
Tác dụng lợi niệu của thiazid bị giảm khi dùng cùng với thuốc chống viêm phi steroid. Amphotericin B và corticoid làm tăng nguy cơ hạ kali máu của thiazid.
7. Một số thuốc lợi tiểu thiazid phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác có tại TTYT huyện Cẩm Khê
 
bảng

Tài liệu tham khảo:
  1. Bộ Y tế (2022). Dược thư Quốc gia Việt Nam
  2. Tờ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
  3. Mechanism of action of diuretics – UpToDate 2025.
  4. Thiazides versus loop diuretics in the treatment of hypertension – UpToDate  2025
  5. Thuốc lợi tiểu Thiazid trong điều trị tăng huyết áp- Đại học Y dược Huế
Biên soạn: Tổ Dược lâm sàng – Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê
Hiệu đính: PGS.TS. Nguyễn Thành Hải, Bộ môn Dược lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội.
 
 

Nguồn tin: Khoa Dược - TTB - VTYT:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây